Hội thảo quốc tế về nghiên cứu, đổi mới và tầm nhìn cho tương lai về công nghệ tính toán và truyền thông
Hội thảo RIVF (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Research, Innovation and Vision for the Future) đã trở thành sự kiện khoa học lớn dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ Máy tính và Truyền thông trên thế giới kể từ năm 2003
Hội thảo RIVF (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Research, Innovation and Vision for the Future) đã trở thành sự kiện khoa học lớn dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ Máy tính và Truyền thông trên thế giới kể từ năm 2003. RIVF là một diễn đàn được thiết kế cho các nhà nghiên cứu và thực hành khám phá những ý tưởng tiên tiến, thảo luận về các vấn đề, chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ, xác định các vấn đề mới nổi và thiết lập sự hợp tác học thuật trong các lĩnh vực máy tính và truyền thông khác nhau. Chuỗi hội thảo RIVF đã được tổ chức luân phiên giữa các đơn vị nghiên cứu và học thuật của Việt Nam.

Hội thảo năm nay được tổ chức tại Học viện KTQS diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/12/2021 dưới dạng bán trực tuyến. Các báo cáo viên thuộc Học viện tham gia báo cáo tại phòng hội thảo nhà S1. Các báo cáo viên ngoài học viện tham gia báo cáo trực tuyến. Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài nước, cũng như các nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt hội thảo có sự tham dự của ba giáo sư hàng đầu về khoa học máy tính và tính toán thông minh đến từ các nước Canada, Anh, và New Zealand, cụ thể là GS. Witold Pedrycz đang công tác tại Đại học Alberta, GS. Hani Hagras đang công tác tại Đại học Essex, và GS. Mengjie Zhang đang công tác tại Đại học Victoria thuộc Wellington.
Hội thảo RIVF 2021 đã tạo ra diễn đàn để giải quyết một trong những vấn đề mới nhất hiện nay trong lĩnh vực khoa học máy tính với bốn nội dung chủ yếu là: i) trí tuệ nhân tạo (AI), trí tuệ tính toán và phân tích dữ liệu; ii) xử lý hình ảnh, ngôn ngữ và giọng nói; iii) thông tin và An ninh mạng; và iv) các mô hình tính toán rời rạc và liên tục. Vì vậy, hội thảo đã thu hút được 55 bài nghiên cứu (với tỉ lệ chấp nhận đăng là 55%) từ các tác giả khắp nơi trên thế giới. Nhiều báo cáo đã đưa ra các nghiên cứu mới cũng như là xử lý các bài toán nổi cộm hiện nay như ước lượng độ sâu ảnh dựa trên nhân tử Lagranger hay phát hiện video khiêu dâm trên mạng xã hội.
Điểm sáng của Hội thảo là báo cáo trình bày và thảo luận bằng tiếng Anh sự góp mặt của nhiều báo cáo chất lượng. Hai báo cáo đạt giải best paper award” là: “An autoencoder-báed method for targeted attack on deep neural network models” của nhóm tác giả “Duc-Anh Nguyen, Kha Do Minh, Nga Pham Thi To, và Hung Pham Ngoc; “An integer programming model for minimizing energy cost in water distribution system using trigger levels with additional time slots” của nhóm tác giả David Wu, Viet Hung Nguyen, Michel Minoux, và Hai Tran. Hai báo cáo đạt giải “best presentation” là: “multimodal fusion with BERT and attention mechanism for fake news detections” của nhóm tác giả Manh Duc Tuan Nguyen và Quang Nhat Minh Pham, và “Automatically estimate clusters in autoencoder-based clustering model for anomaly detection” của nhóm tác giả Van Quan Nguyen, Nguyen Viet Hung, Nhien-An Le-Khac, và Van Loi Cao.
Năm nay, lần đầu tiên trong chuỗi hội thảo RIVF, một cuộc thi về xử lý dữ liệu văn bản (multimodal mutlti-task data MC-OCR) được đưa ra. Nội dung cuộc thi là nhận dạng và trích chọn các trường bắt buộc trong hình ảnh biên lai thu tại Việt Nam được chụp bởi các thiết bị di động. Trong vòng một tháng, cuộc thi đã thu hút 105 người tham gia và thu về khoảng 1.285 bài dự thi. Sáu đội cao nhất của bảng xếp hạng đã được mời gửi báo cáo, bình duyệt, và trình bày tại tiểu ban “Xử lý hình ảnh, ngôn ngữ và giọng nói”.
Sau ba ngày làm việc sôi nổi và nghiêm túc, Hội thảo RIVF 2021 đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều hướng đi mới và tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tính toán thông minh. Hội thảo đã góp phần quảng bá và khẳng định trình độ phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và của khoa CNTT, Học viện KTQS nói riêng. Đây cũng là nơi tạo cơ hội để các giảng viên và nhà nghiên cứu trong học viện mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời để lại hình ảnh đẹp về một Học viện KTQS năng động, sáng tạo, ham học hỏi trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.